Ủy Ban Loan Báo Tin Mừng: Kế Hoạch Thực Hiện Sống Năm Thánh 2025 – Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng

ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG: KẾ HOẠCH THỰC HIỆN SỐNG NĂM THÁNH 2025 – CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG

Ủy ban Loan báo Tin mừng

23/11/2024

WHĐ (23/11/2024) – Dưới sự ủy thác của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Ủy ban Loan báo Tin mừng nhận trách nhiệm xây dựng một lộ trình truyền giáo mang tính khả thi và bền vững, khởi đi từ Năm Thánh 2025, nhằm khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo trong mọi thành phần Dân Chúa và góp phần kiến tạo nền văn hoá truyền giáo tại Việt Nam. Sau đây là “Kế hoạch thực hiện sống Năm Thánh 2025 – Cùng nhau Loan báo Tin mừng” được soạn thảo bởi Ủy ban Loan báo Tin mừng.

ỦY BAN LOAN BÁO TIN MỪNG – HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

72/12 Trần Quốc Toản – Võ Thị Sáu – Quận 3 – Tp.HCM – Việt Nam

Email: evangelization@cbc-vietnam.org; Đt: 0905.505.022

KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

SỐNG NĂM THÁNH 2025  CÙNG NHAU LOAN BÁO TIN MỪNG

Kính gửi quý cha, quý phó tế, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn Dân Chúa,

Trong dịp Hội nghị Thường niên của Hội đồng Giám mục Việt Nam từ ngày 16 đến 20 tháng 9 vừa qua, quý Đức cha đã thống nhất uỷ thác cho Ủy ban Loan báo Tin Mừng trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (UBLBTM/HĐGMVN) xây dựng một lộ trình truyền giáo mang tính khả thi và bền vững, khởi đi từ Năm Thánh 2025, nhằm khơi dậy lòng nhiệt thành truyền giáo trong mọi thành phần Dân Chúa và góp phần kiến tạo nền văn hoá truyền giáo tại Việt Nam. Lãnh nhận trọng trách này, hôm nay UBLBTM/HĐGMVN kính gửi đến tất cả anh chị em “Kế hoạch thực hiện sống Năm Thánh 2025 – Cùng nhau Loan báo Tin Mừng” và mời gọi mọi người cùng nhau thực hiện.

Kế Hoạch Thực Hiện này tiếp nối tinh thần Thư mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam, được công bố vào ngày 20/09/2024, để chuẩn bị cho việc sống Năm Thánh 2025 và năm “Cùng nhau Loan báo Tin Mừng” của Hội Thánh tại Việt Nam. Trong tương lai, UBLBTM/HĐGMVN sẽ phối hợp với các Ủy ban của Hội đồng Giám mục để đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn. Trong Năm Phụng vụ 2025 này, chúng ta cùng nhau thực hiện một số việc cụ thể được đề nghị như sau:

1. Hành Hương Cầu Nguyện

Trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục mời gọi chúng ta đi hành hương và cầu nguyện. UBLBTM/HĐGMVN đề nghị như sau:

a. Trong giờ cầu nguyện tại điểm hành hương, các tín hữu cùng nhau đọc trực tiếp và suy niệm các bản văn Lời Chúa đề cập đến sứ vụ truyền giáo.[1] Việc này sẽ giúp các tín hữu ý thức sâu xa hơn rằng sứ mệnh Loan báo Tin Mừng chính là ơn huệ Chúa ban cho mỗi người qua Bí tích Rửa tội và chúng ta đừng để ơn ấy trở nên vô hiệu.[2] Các bản văn Kinh Thánh có thể được chuẩn bị bởi các giáo phận, các trung tâm hành hương hoặc do chính mỗi người chúng ta.

b. Trước khi kết thúc các giờ cầu nguyện tại các Trung tâm Hành hương, mọi người cùng đọc kinh cầu cho việc truyền giáo.[3]

2. Loan báo Tin Mừng từ Gia đình

Trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục mời gọi mỗi cá nhân, mỗi gia đình hãy nhiệt thành sống và làm chứng cho Tin Mừng. UBLBTM/HĐGMVN đề nghị như sau:

a. Cầu nguyện cho việc truyền giáo là tiếp lửa cho công cuộc truyền giáo. Vì thế, vào trước lúc kết thúc giờ kinh hằng ngày, riêng hoặc chung, mỗi cá nhân và gia đình đọc Lời nguyện dưới đây:

Lạy Cha, xin cho tất cả mọi dân tộc nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất và chân thật, đồng thời nhận biết Đức Giêsu Kitô là Đấng được Cha sai đến. Xin cho chúng con không mệt mỏi rao giảng về Đức Giêsu cho anh chị em mình để mọi người được hưởng sự sống đời đời.[4]

Thêm vào đó, mỗi người sốt sắng đọc Kinh Truyền Giáo cùng cộng đoàn trước hoặc sau khi tham dự Thánh lễ, các buổi gặp gỡ cầu nguyện chung tại nhà thờ hoặc nơi thôn xóm.

b. Sống chứng tá Tin Mừng: Mỗi cá nhân và gia đình ghi nhớ rằng một đời sống đậm chất Tin Mừng là dấu chỉ rõ nét nhất để cho mọi người nhận biết Chúa Kitô.[5] Các gia đình trở nên chứng tá của Tin Mừng qua những cách thức như sau:

1) Các thành viên sống hòa thuận trong gia đình và thân tình với xóm giềng. Tránh bàn tán nói xấu hay cãi vã lớn tiếng; tập kiên nhẫn trước những bất hoà; học cách giải quyết khó khăn, xung đột bằng đối thoại chân thành, và sửa lỗi cho nhau theo tinh thần Tin Mừng[6].

2) Mỗi thành viên trong gia đình Công giáo kết thân với một người hay một gia đình chưa nhận biết Chúa và siêng năng thăm hỏi họ, đồng thời lắng nghe cũng như chia sẻ với họ những giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong cuộc sống hằng ngày.

c. “Bốn bước Rao giảng Tin Mừng theo lời dạy của Chúa Giêsu”[7]

Đời sống Giáo hội hệ tại ở việc học nơi Chúa Giêsu và thực thi lệnh truyền của Ngài: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ …” (Mt 28,19-20). Chính Ngài đã hướng dẫn cụ thể về các bước rao giảng Tin Mừng mà chúng ta có thể thực hiện, để giới thiệu Chúa cho mọi người. Nội dung này đã được Văn phòng các Hội Giáo hoàng Truyền giáo Việt Nam phổ biến.

3. Sử dụng phương tiện truyền thông để Loan báo Tin Mừng

Trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục mời gọi chúng ta sử dụng các phương tiện truyền thông kỹ thuật số cách sáng tạo và hữu hiệu để loan báo Tin Mừng. UBLBTM/HĐGMVN đề nghị như sau: 

a. Chuyển tải sứ điệp Tin Mừng: Hãy ưu tiên cùng nhau chia sẻ những đoạn Lời Chúa trên các phương tiện truyền thông. Hãy cùng nhau học hỏi Lời Chúa và giáo huấn của Hội thánh về công cuộc Truyền giáo. Nhờ đó, chúng ta không bị “đánh gục” bởi phương tiện truyền thông; trái lại, biết sử dụng nó phục vụ sứ mệnh Loan báo Tin Mừng.

b. Tránh xa bạo lực ngôn từ: Các Kitô hữu trước hết cần tránh sử dụng ngôn ngữ bạo lực trên không gian mạng xã hội và các phương tiện truyền thông, vì điều này không xuất phát từ Thiên Chúa và không thể chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho tha nhân.[8] Thay vào đó, hãy tích cực chia sẻ và khích lệ nhau bằng lời lẽ khiêm nhường, yêu thương, để lan tỏa hương thơm Tin Mừng trên không gian mạng, như lời thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4, 29).

c. Cảnh giác với những trang mạng nguy hại: Anh chị em hãy cảnh giác với các trang mạng giả danh và có tính hủy hoại giá trị Tin Mừng nhằm trục lợi cá nhân hoặc gây chia rẽ tình hiệp thông trong các cộng đoàn Hội thánh. Chúng ta cần cảnh giác để không bị mắc vào bẫy, và cần có sự “khôn ngoan của con tim” để sử dụng và xây dựng một hệ thống “truyền thông nhân bản trọn vẹn”.[9]

4. Khơi dậy ý thức truyền giáo nơi các cộng đoàn tín hữu

Trong Thư mục vụ, Hội đồng Giám mục mời gọi các giáo xứ cần chuẩn bị chu đáo hành trang đức tin, đức cậy, đức mến, và lòng nhiệt thành truyền giáo cho các tín hữu của mình và cần có những nâng đỡ cụ thể, giúp họ (đặc biệt anh chị em di dân) hội nhập và sống tinh thần truyền giáo. UBLBTM/HĐGMVN đề nghị như sau:

a. Chầu Thánh Thể để hun đúc hồn tông đồ truyền giáo

Đề nghị mỗi giáo phận chọn MỘT ngày theo chu kỳ tuần/tháng/năm dành cho việc chầu Thánh Thể cầu nguyện cho truyền giáo, với khát khao cho mỗi chúng ta ngày càng hiểu biết Đức Giêsu hơn, yêu Ngài hơn và bước theo Ngài sát gần hơn để có thể dấn thân hơn trong công cuộc Loan báo Tin Mừng. Hình thức thực hiện có thể như sau:

1) Vào ngày được ấn định, sau thánh lễ sáng, nhà thờ không đóng cửa để các tín hữu tự do lui tới chầu Thánh Thể thầm lặng (10-15 phút). Đến cuối ngày, mời gọi cộng đoàn chầu 30 phút trọng thể.

2) Vào ngày được ấn định, tùy theo hoàn cảnh, mỗi giáo xứ (dòng tu) tổ chức một hoặc nhiều giờ chầu 30 phút trọng thể.

3) Vào ngày được ấn định, có thể tổ chức “24 giờ dành cho Chúa.” Tất cả các giờ chầu này chỉ nhằm một mục đích là xin cho mỗi người chúng ta ngày càng hiểu Đức Giêsu hơn, yêu Ngài hơn và bước theo sát Ngài hơn trên con đường sứ vụ, dấn thân hơn trong hành trình loan báo Tin Mừng.[10]

b. Khai mở chương trình tìm hiểu Kinh Thánh và cầu nguyện với Lời Chúa

Để mọi thành phần Dân Chúa và những anh chị em lương dân thiện chí có cơ hội tiếp cận trực tiếp với Lời Chúa và được Lời Chúa nuôi dưỡng, các linh mục tu sĩ, đặc biệt là các cha xứ, có vai trò quan trọng trong việc tích cực khai mở chương trình tìm hiểu Kinh Thánh và cầu nguyện với Lời Chúa trong năm 2025. Thêm vào đó, UBLBTM/HĐGMVN rất mong quý cha và quý tu sĩ, ngoài những bổn phận hằng ngày, cộng tác với nhau và dành ít là 10 tiếng đồng hồ trong năm 2025, để tham gia vào việc hướng dẫn lớp Kinh Thánh.[11]

c. Hình thức đọc kinh liên gia và sinh hoạt theo các tổ sống đạo.

Đây là cách loan báo Tin Mừng của những tín hữu thời sơ khai. Các ngài đã đọc kinh cầu nguyện tại tư gia và từ đó các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản được hình thành. Tiếp tục cách thức đó, UBLBTM/HĐGMVN rất mong các giáo xứ hình thành những nhóm đọc kinh liên gia, các tổ sống đạo, để từ đó Lời Chúa được vang lên trong mọi hoàn cảnh và mọi ngõ ngách của cuộc sống. Cách đặc biệt, chúng tôi xin anh chị em di dân luôn ý thức rằng: chúng ta xa quê không chỉ để kiếm sống, nhưng còn để loan báo Tin Mừng. Vì vậy, anh chị em hãy khích lệ nhau trong đời sống đức tin; hãy quy tụ lại với nhau trong các giờ kinh nguyện, các giờ học hỏi Lời Chúa, và hãy hiệp thông với vị chủ chăn của giáo xứ nơi anh chị em đang sinh sống, vì tất cả chúng ta đều thuộc về Thiên Chúa.[12]

d. Đến với những vùng ngoại biên

Các giáo xứ, giáo họ, giáo điểm được hình thành phát triển và đi vào ổn định, đặc biệt tại các giáo xứ kỳ cựu và truyền thống, đem lại niềm vui cho hàng giáo sĩ. Tuy nhiên, hãy đề phòng với những thói quen trong nhịp sinh hoạt đức tin và mục vụ, cha xứ dâng lễ, giảng lễ và giải tội, giáo dân dự lễ ngày Chủ Nhật, thiếu nhi học giáo lý, ban điều hành giáo xứ /giáo họ lo xây dựng hoặc tổ chức mừng các lễ lớn và các sự kiện; các tu sĩ lo chu toàn bổn phận hàng ngày, đọc Kinh Phụng Vụ, tham gia các hoạt động từ thiện…. Đừng coi như thế là đủ!

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với chúng ta rằng như thế chưa đủ! Ngài nhấn mạnh: “Tôi thà có một Hội thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình…” (EG 49).

Trong tinh thần “cùng nhau Loan báo Tin Mừng,” mọi thành phần Dân Chúa, linh mục, tu sĩ, giáo dân, được mời gọi đến với vùng ngoại biên của chính mình, gia đình và giáo xứ mình, hãy cùng nhau đi thăm viếng một số gia đình trong địa bàn của mình, để từ đó Lời Chúa được vang lên qua các cuộc thăm viếng đó. Việc này không phải chỉ thực hành trong Năm Thánh 2025 nhưng là bước khởi đầu cho một lộ trình “cùng nhau loan báo Tin Mừng” của Hội Thánh tại Việt Nam trong thời gian tới.

Thưa anh chị em, trên đây là một vài gợi ý cụ thể do UBLBTM/HĐGMVN đề nghị để giúp chúng ta sống Năm Thánh 2025 một cách ý nghĩa và thiết thực hơn. Những gợi ý này được khởi đầu trong Năm Thánh 2025 và tiếp tục trong những năm sau. Ủy Ban rất mong được các thành phần dân Chúa đón nhận và thực hiện trong tinh thần hiệp nhất của người môn đệ Chúa Giêsu. Ủy Ban cũng rất mong mọi người góp thêm sáng kiến để các hoạt động truyền giáo ngày càng sinh động và đem lại hiệu quả như lòng Chúa mong muốn.

Chúng tôi xin trao phó Kế Hoạch Thực Hiện Sống Năm Thánh 2025 – Cùng Nhau Loan Báo Tin Mừng nơi lòng từ mẫu của Đức Trinh Nữ Maria, xin Mẹ chuyển cầu cùng Thiên Chúa ban muôn phúc lành cho tất cả chúng ta.

Hưng Hóa, ngày 20 tháng 11 năm 2024

UBLBTM/HĐGMVN

Chủ Tịch

+Đaminh Hoàng Minh Tiến

Giám mục Giáo phận Hưng Hóa

—- + —-

PHỤ LỤC 1

CÁC BẢN VĂN KINH THÁNH VỀ TRUYỀN GIÁO

Những bản văn Kinh Thánh về truyền giáo dưới đây được khuyến khích công bố và suy niệm trong các cuộc hành hương tại các trung tâm hành hương, hoặc các nhà thờ được chỉ định cho việc hành hương trong Năm Thánh 2025.

A. Cựu Ước

1. Sách Sử Biên Niên quyển thứ nhất: 1 Sb 16, 8-24.

2. Sách tiên tri Isaia: Is 6, 8-13; 57, 7-12.

3. Sách tiên tri Giêrêmia: Gr 1, 7-15.

B. Tân Ước

1. Tin Mừng theo thánh Matthêu: Mt 28, 18-19.

2. Tin Mừng theo thánh Maccô: Mc 16, 14-20.

3. Tin Mừng theo thánh Luca: Lc 10, 1-12; 10, 17-20.

4. Tin Mừng theo thánh Gioan: Ga 20, 21-23.

5. Sách Công vụ Tông đồ: Cv 1, 6-11; 13, 44-49.

6. Thư gửi tín hữu Rôma: Rm 10, 12-17.

—- + —-

PHỤ LỤC 2

MẪU KINH TRUYỀN GIÁO

Thêm Kinh Truyền giáo vào cuối các buổi cầu nguyện chung tại nhà thờ hoặc trong khu xóm. Có thể chọn một trong hai mẫu dưới đây:

Mẫu 1 – Cuối giờ kinh, người hướng dẫn gợi ý: 

Giờ đây chúng ta cùng đọc kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho việc truyền giáo trong Hội Thánh

Sau một vài giây thinh lặng, cộng đoàn đọc chung kinh Lạy Cha.

Mẫu 2 – Cuối giờ kinh, cộng đoàn đọc Kinh Truyền giáo, hoặc hát một bài về chủ đề này.

Lạy Cha là Thiên Chúa toàn năng, Cha yêu thương sáng tạo và cứu độ muôn loài, Cha đã sai Con Một làm người ở giữa chúng con.

Người đã hy sinh chịu chết và phục sinh, để quy tụ tất cả nhân loại vào Nước Cha. Cha đã gửi Thánh Thần đến để xây dựng một cộng đồng nhân loại mới biết yêu thương và hiệp nhất theo hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Giờ đây, chúng con cảm tạ Cha vì hồng ân cứu độ Cha đã thương ban cho chúng con. Xin Cha thắp lên ngọn lửa tin yêu trong tâm hồn chúng con.

Xin Cha dạy chúng con biết chiêm ngắm và bước theo Đức Kitô trên con đường loan báo Tin Mừng cho muôn dân nước. Xin dạy chúng con luôn biết yêu thương và phục vụ, biết chia sẻ của cải tinh thần và vật chất cho người nghèo khổ, bất hạnh và biết góp phần vào việc mở mang Nước Cha.

Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria rất thánh Mân Côi, xin Cha làm cho chúng con trở nên những chứng nhân Tin Mừng, hôm nay và mãi mãi. Amen.

—- + —-

PHỤ LỤC 3

BỐN BƯỚC RAO GIẢNG TIN MỪNG THEO LỜI DẠY CỦA CHÚA GIÊSU

“Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệlàm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

Bước 1 – ĐI

– Hãy bước ra khỏi lòng mình để hướng tới một người lương dân.

– Hãy bước ra khỏi nhà mình để đến thăm một người lương dân.

– Hãy gọi điện hoặc nhắn tin cho một người lương dân.

Bước 2 – LÀM cho muôn dân TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ 

– Hãy trở nên người hàng xóm tốt với láng giềng.

– Hãy là người tiên phong mời gọi mọi người chung tay kiến tạo khu xóm mình trở nên tốt đẹp hơn.

– Hãy mạnh dạn chia sẻ câu chuyện đức tin của mình về Chúa Giêsu cho mọi người và mời gọi họ làm quen với Ngài.

Bước 3 – LÀM PHÉP RỬA cho họ…

– Hãy dẫn đưa họ vào Cộng đoàn Hội Thánh

Bước 4 – DẠY BẢO HỌ tuân giữ những điều Thầy đã truyền…

– Đừng bỏ họ dọc đường nhưng hãy tiếp tục đồng hành với họ sau khi Rửa Tội thêm nhiều năm nữa…

– Hãy huấn luyện họ trở thành người có khả năng “đi và làm… môn đệ Chúa Giêsu…”

—- + —-

PHỤ LỤC 4

CÁC ĐỀ TÀI SUY NIỆM TRƯỚC THÁNH THỂ VỀ RAO GIẢNG TIN MỪNG

Đề tài 1: Khởi đầu Sứ vụ trong Thánh Thần

Đề tài 2: Thiên Chúa – Đấng là chủ Sứ vụ

Đề tài 3: Đức Giêsu – Đấng trực tiếp thi hành Sứ vụ

Đề tài 4: Hội Thánh – Người tiếp nối Sứ vụ của Thiên Chúa

Đề tài 5: Chúa Thánh Thần – Đấng đồng hành với Hội Thánh trên con đường Sứ vụ 

Đề tài 6: Trong lòng Hội Thánh – Chúng ta cùng nhau thi hành Sứ vụ

Đề tài 7: Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu – Sống cầu nguyện

Đề tài 8: Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu – Sống thanh thoát

Đề tài 9: Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu – Sống thanh khiết

Đề tài 10: Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu – Sống vâng phục

Đề tài 11: Thi hành sứ vụ theo sát Đức Giêsu – Yêu thương và Phục vụ

Đề tài 12: Đức Maria người môn đệ mẫu mực để Rao giảng Tin Mừng

Lưu ý

1. Trên đây chỉ là các đề tài tổng quát. Những gợi ý chi tiết sẽ được gửi qua phương tiện truyền thông khoảng từ 2-3 tuần trước khi sử dụng.

2. Những gợi ý trong các đề tài suy niệm của năm 2025 đều lấy nguồn từ Kinh Thánh và giáo huấn của Hội Thánh, cụ thể Sắc lệnh Truyền giáo Ad Gemtes.

3. Các đề tài suy niệm trong năm 2025 có liên hệ mật thiết với nhau để làm nên một tiến trình “cùng nhau loan báo Tin Mừng”. Vì thế, người hướng dẫn (nếu chọn loạt bài gợi ý này) nên theo đến cùng thì sẽ hữu ích hơn.

4. Những gợi ý cầu nguyện này có thể được suy niệm trong một giờ chầu hoặc mỗi giờ suy niệm một điểm. Điều quan trọng không phải là “suy niệm hết ý” nhưng là suy niệm sâu và cầu nguyện sốt sắng.

5. Tùy theo hoàn cảnh mỗi nơi, sau mỗi ý suy niệm, người hướng dẫn có thể mời gọi cộng đoàn dâng lời nguyện tự phát hoặc những hình thức khác thích hợp.

Lời Giới Thiệu Sách: Ý Nghĩa và Lịch Sự của Hành Hương

LỜI GIỚI THIỆU SÁCH: Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG

Lm. Giuse Cao Gia An, SJ

18/11/2024

WHĐ (18/11/2024) – Hành hương là một việc đạo đức quan trọng trong Năm thánh của Giáo hội. Để giúp quý độc giả sốt sắng hơn trong việc đạo đức này, Ban biên tập sẽ lần lượt đăng loạt bài trong tập sách: “Ý nghĩa và lịch sử của hành hương”, được chuẩn bị bởi Linh mục Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ. Sau đây là lời giới thiệu của Linh mục Giuse Cao Gia An, SJ về tập sách này:

LỜI GIỚI THIỆU

Năm 2025 là Năm Thánh của Giáo Hội. Trong các sinh hoạt của Năm Thánh, hành hương là một phần thực hành không thể thiếu. Chủ đề của Năm Thánh 2025 là “Những Người Hành Hương Hy Vọng”. Với chủ đề này, “hành hương” không chỉ là một thực hành đạo đức giữa nhiều việc thực hành khác, nhưng còn là đề tài xuyên suốt và là nguồn cảm hứng cho việc suy niệm và cầu nguyện của Giáo hội trong suốt cả Năm Thánh.

Trong thư về Năm Thánh gửi Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm hoá, Đức Thánh Cha Phanxicô đã viết: “Chúng ta phải thổi bùng ngọn lửa hy vọng. Đây là món quà Thiên Chúa đã, đang và sẽ ban cho chúng ta và giúp mọi người có được sức mạnh và sự chắc chắn mới bằng cách nhìn về tương lai với tinh thần cởi mở, trái tim tin tưởng và tầm nhìn xa trông rộng. Năm Thánh sắp tới có thể góp phần rất lớn vào việc khôi phục bầu không khí hy vọng và tin tưởng như khúc dạo đầu cho sự đổi mới và tái sinh mà chúng ta hết sức mong muốn.”

Như thế, mục đích của việc hành hương là để làm sống lại niềm hy vọng và sự tươi mới trong đức tin của chúng ta giữa lòng Giáo Hội. Điều này đúng không chỉ trong thời gian Năm Thánh, nhưng trong mọi cuộc hành hương.

Với nhan đề “Ý NGHĨA VÀ LỊCH SỬ CỦA HÀNH HƯƠNG”, tập sách được chuẩn bị bởi linh mục Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ sẽ vừa là một người bạn đồng hành vừa là một thách thức cho những ai muốn tham gia các khóa hành hương và mong cảm nghiệm được ý nghĩa sâu xa của việc hành hương trong truyền thống Giáo hội.

Là một người bạn đồng hành, vì chắc chắn tập sách mỏng này sẽ là một trợ giúp hữu hiệu cho những chuyến hành hương của chúng ta trọn vẹn hơn và có chiều sâu hơn. Những bài viết đơn sơ dễ hiểu sẽ cho chúng ta chất liệu để suy niệm và sống với chiều kích hành hương không chỉ dọc suốt dòng lịch sử cứu độ của dân Thiên Chúa, từ Cựu Ước đến Tân Ước, mà còn dọc suốt dòng truyền thống của Giáo Hội. Những giải thích vừa đủ. Những lời mách nước cụ thể. Những câu hỏi gợi ý suy niệm ngắn gọn… Tập sách sẽ hữu ích cho mọi chuyến hành hương, dù là trên Đất Thánh hay ở Rôma, dù là qua các thành phố của Châu Âu, hay tại các trung tâm hành hương ở Việt Nam.

Là một thách thức, vì tập sách này sẽ không thích hợp với những ai muốn biến cuộc hành hương của mình thành một chuyến tham quan du lịch. Ngày nay, chữ “hành hương” rất dễ bị lạm dụng. Chỉ xách giỏ lên và đi thôi thì chưa đủ để làm nên một khóa hành hương đâu! Chỉ đến một nơi nào đó, mở cẩm nang ra để đọc một chút về lịch sử hay về giá trị văn hoá và kiến trúc, rồi sau đó là check-in, selfie, flex, rồi sau nữa là mua sắm, ăn uống… thì chưa phải là hành hương đâu! Tập sách này chỉ hữu ích với những ai có khả năng bước đi với đôi chân cầu nguyện, với đôi mắt của một kẻ đi tìm, và với trái tim khao khát của một người lữ khách.

Tập sách này mời chúng ta băng qua những vui vẻ tầm thường để hướng đến những giá trị thiêng liêng và linh thánh của chuyến hành trình. Tập sách này thách chúng ta để cho mình được biến đổi sau mỗi bước chân hành hương.

“Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,
ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương […] Càng tiến lên, họ càng mạnh bước
đến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on”
 (Tv 84,6.8)

Những người “ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương” là những người được chúc phúc. Vì họ biết lên đường tìm Chúa. Vì họ biết lấy Chúa làm sức mạnh. Vì mỗi bước chân của họ sẽ là một bước đi có khả năng làm cho họ biến đổi cuộc đời. Cho họ thêm mạnh bước. Cho họ được chiêm ngưỡng Thiên Chúa và bao kỳ công của Thiên Chúa giữa dòng lịch sử và giữa lòng thế giới hôm nay.

Những người đi hành hương đúng cách sẽ là những sứ giả của hy vọng, vì họ sẽ được sống lại niềm hy vọng và sự tươi mới của đức tin giữa lòng Giáo hội hôm nay.

Lm. Giuse Cao Gia An, SJ
Tiến sĩ chú giải Kinh Thánh

Rôma, Lễ Chúa Kitô Vua 2023

LỜI TỰA

Sau lễ bế mạc Đại hội Giới trẻ Thế giới 2023 tại Lisbon, Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi các bạn trẻ tiếp tục hướng về Rôma (Năm Thánh 2025). Sau đó, ngài thông báo Đại hội lần tới diễn ra tại Hàn Quốc (2027). Đây là hai sự kiện lớn mà Giáo hội Việt Nam cũng đang chuẩn bị. Gần là Năm Thánh, xa là hành hương đến Seoul, Hàn Quốc. Những đoàn hành hương chuẩn bị để sẵn sàng lên đường. Khi trò chuyện với những người phụ trách dẫn đoàn hành hương, tôi nhận ra mình cũng phải làm điều gì đó.

Hiện nay trên Internet, các bài viết ngắn dài về chủ đề hành hương tiếng Việt rất ít. Sách liên quan đến hành hương lại càng hiếm hoi. Trước nhu cầu của những người hành hương muốn tìm hiểu thêm về hành trình thiêng liêng này, tôi đã viết cuốn sách này.

Sách không nhằm mục đích giới thiệu các địa điểm hành hương. Những trang sách này càng không phải là tài liệu hướng dẫn du lịch. Trên hết, tôi muốn cùng với độc giả thấy được lịch sử và ý nghĩa đích thực của hành hương. Hành hương xuất hiện trong lịch sử thánh. Ý nghĩa hành hương không gì khác hơn là gặp gỡ Thiên Chúa. Trong đạo Công giáo, việc tham gia hành hương thường được coi là một hành động tôn kính thờ lạy Thiên Chúa. Nhiều người đi hành hương để “cầu nguyện bằng đôi chân-praying with our feet”; họ có kinh nghiệm bằng các giác quan rằng, cả cuộc đời mình là một cuộc hành trình dài tiến về cùng Thiên Chúa.

Hành hương là một chuyến đi tới những nơi có ý nghĩa tâm linh, thường là các địa điểm thiêng liêng, như Đền Thánh, những nơi có liên quan đến cuộc đời của Chúa Kitô, Đức Mẹ, các thánh, hoặc những nơi có sự kiện lịch sử quan trọng đối với đạo Công giáo. Nói cách khác, “hành hương là hành trình của các tín hữu rời nơi mình đang ở, đi tới một nơi thánh thiêng, để tỏ lòng sùng kính, tham dự lễ hội, cầu nguyện, làm việc đền tội, xin ơn hay tạ ơn” [Từ điển Công giáo, mục từ Hành hương]. Do đó, sách gồm 4 phần:

1. Ý nghĩa hành hương thời Cựu Ước là gì?

2. Thời Tân Ước, hành hương gắn liền với Chúa Giêsu Kitô.

3. Sau biến cố Phục Sinh, Giáo hội lan rộng nhanh chóng khắp châu Âu, kể cả châu Á. Từ đó, truyền thống hành hương trở nên phổ biến hơn với những nền văn hóa khác nhau, kiến trúc và hội họa cũng khác nhau. Nhất là những linh địa gắn liền với Đức Mẹ hoặc những nơi quan trọng đối với Giáo hội, dòng người đổ về mỗi lúc một đông.

4. Chương cuối cùng nói đến cách thức giữ lửa hành hương trong và sau khi về nhà. Nhất là cuộc sống thêm hạnh phúc, đức tin thêm vững mạnh và lửa mến thêm nồng nàn hơn, sau khi hành hương về.

Với bốn phần trên đây, ước mong quý độc giả đón nhận như là chút chia sẻ để cùng nhau hành hương hiệu quả hơn. Khi đó, chúng ta không phí tiền, không tốn thời gian. Ngược lại, tạ ơn Chúa vì tôi đã được đi hành hương một cách hiệu quả…

Linh mục Giuse Phạm Đình Ngọc, SJ

Trích trong tập sách Ý nghĩa và lịch sử của hành hương, Nxb Tôn Giáo, 03/2024

Nguồn: https://hdgmvietnam.com