Chín điều nên biết về Tuần Thánh

CHÍN ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ TUẦN THÁNH

Jimmy Akin

WHĐ (24.03.2024) – Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, “Trong Tuần Thánh, chúng ta sống khoảnh khắc đỉnh cao của cuộc hành trình này, của kế hoạch tình yêu xuyên suốt toàn bộ lịch sử các mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại”.

Tuần Thánh rất quan trọng trong lịch Phụng vụ Kitô giáo. Nhưng Tuần Thánh là gì? Tuần Thánh đến từ đâu? Và điều gì xảy ra trong Tuần Thánh? Dưới đây là 9 điều chúng ta nên biết về Tuần Thánh để sống trọn vẹn hơn Tuần lễ thánh thiện này.

1) Tuần Thánh là gì?

Tuần Thánh là tuần lễ trước Chúa Nhật Phục Sinh. Theo Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch, “Chúa nhật thứ sáu, bắt đầu Tuần Thánh, gọi là Chúa nhật Lễ Lá tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa’” (Số 30).

Do đó, Tuần Thánh bắt đầu vào Chúa nhật VI Mùa Chay, và tuần lễ này được đặc trưng bởi một loạt các cử hành Phụng vụ. Những cử hành này tuy có thay đổi theo thời gian, nhưng Từ điển Oxford của Giáo hội Kitô nêu rõ:

Các nghi thức truyền thống khác nhau trong tuần, mỗi ngày đều có nghi thức riêng, có lẽ đã bắt đầu phát triển tại Giêrusalem vào thế kỷ thứ IV, khi những cuộc hành hương trở nên dễ dàng hơn và các Kitô hữu có thể thỏa mãn mong muốn tự nhiên là tái diễn những cảnh cuối cùng về cuộc đời Đức Kitô qua Phụng vụ.

Cuộc hành hương của Egeria, hiện thường được cho là mô tả chuyến viếng thăm vào năm 381-384, kể lại chi tiết về việc cử hành Tuần Thánh hiện nay ở Giêrusalem.

Vì tầm quan trọng của Tuần Thánh nên các cử hành Phụng vụ trong Tuần Thánh được ưu tiên hơn bất kỳ cử hành nào khác sẽ diễn ra trong thời gian đó (ví dụ: những ngày lễ kính các thánh). Quy tắc chung nêu rõ, “các ngày trong Tuần Thánh từ thứ Hai đến chiều thứ Năm chiếm vị trí ưu tiên trên mọi cử hành khác” (Số 16a).

2) Điều gì xảy ra vào Chúa Nhật Tuần Thánh?

Vào ngày này, Phụng vụ tưởng niệm việc Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem và cuộc Thương khó của Người.

Việc Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem đã ứng nghiệm một cách rõ ràng lời ngôn sứ Zechariah về Đấng Mesia: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Ðức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Ðấng Chính Trực, Ðấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Za 9, 9).  Nói cách khác, qua việc tiến vào thành, Chúa Giêsu đã minh nhiên thể hiện mình là vị Vua Thiên sai của người Do Thái.

Trong sự kiện này, đám đông vẫy những cành cọ để chào đón sự xuất hiện của Chúa Giêsu, đó là lý do tại sao Chúa nhật này được gọi là Chúa nhật Lễ Lá và tại sao cành cọ được sử dụng trong Phụng vụ ngày này.

Chúng ta biết sự kiện xảy ra vào ngày này vì Thánh Gioan thuật lại rằng Chúa Giêsu đã được xức dầu tại Bêtania “sáu ngày trước lễ Vượt Qua” (Ga 12,1) – tức là trước Thứ Sáu Tuần Thánh – và Người đã thực hiện chuyến đi cuối cùng đến Giêrusalem “vào ngày hôm sau” (Ga 12,12). Vì vậy, Chúa Giêsu vào thành xảy ra vào Chúa Nhật trước Lễ Vượt Qua.

Vào ngày này, Phụng vụ cũng tưởng nhớ Cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, và bài Tin Mừng được gọi là Bài Thương khó nói về sự đau khổ và đóng đinh của Chúa Giêsu mà tuần lễ này đạt tới đỉnh điểm.

3) Điều gì xảy ra vào Thứ Hai Tuần Thánh?

Tin Mừng Mc 11,12 tường thuật rằng “vào ngày hôm sau” (Thứ Hai Tuần Thánh), khi thày trò trên đường trở lại Giêrusalem sau một đêm ở Bêtania thì Chúa Giêsu cảm thấy đói, Người thấy một cây vả có lá tốt tươi nhưng không có trái và Người nguyền rủa nó.

Sau đó, Chúa Giêsu đến Giêrusalem, và khi vào Đền thờ, chứng kiến những kẻ đang mua bán ở đó, Người đã xua đuổi họ ra khỏi Ðền Thờ.

Chúa Giêsu cũng bắt đầu giảng dạy hàng ngày trong Đền Thờ.

Trong Phụng vụ, bài Phúc âm được trích từ Tin Mừng Gioan, quay ngược thời gian về ngày trước khi Chúa Giêsu khải hoàn vào Giêrusalem, và kể lại câu chuyện Người được xức dầu tại Bêtania, trong đó, Chúa Giêsu lưu ý rằng việc xức dầu này là để chuẩn bị cho việc mai táng Người (Ga 12,7).

Mặc dù những sự kiện này đã diễn ra vào Thứ Bảy trước đó, nhưng được trình bày ở đây trong Phụng vụ để tạo thành một câu chuyện theo chủ đề dẫn đến Cuộc Khổ nạn.

4) Điều gì xảy ra vào Thứ Ba Tuần Thánh?

Trong Tin Mừng, thánh Marcô tường thuật rằng: “Sáng sớm, khi đi ngang cây vả” mà Chúa Giêsu đã nguyền rủa thì các môn đệ thấy nó đã chết khô tận rễ (Mc 11,20).

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn tiếp tục giảng dạy trong Đền Thờ.

Trong Phụng vụ, bài Phúc âm trích từ Tin Mừng Gioan chương 13, tường thuật lời tiên báo của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly rằng một trong Nhóm Mười Hai – Giuđa – sẽ phản bội Người. Sau đó, Giuđa rời khỏi bữa ăn và Chúa Giêsu cũng báo trước rằng Phêrô sẽ chối Người ba lần.

Những sự kiện này diễn ra vào Thứ Năm Tuần Thánh, nhưng được trình bày ở đây để tiếp tục câu chuyện theo chủ đề dẫn đến việc Chúa Giêsu bị đóng đinh.

5) Điều gì xảy ra vào Thứ Tư Tuần Thánh?

Trong Tin Mừng, Mc 14,1 thuật lại rằng “hai ngày trước Lễ Vượt Qua” (tức Thứ Tư Tuần Thánh), các thượng tế và kinh sư âm mưu bắt và giết Chúa Giêsu.

Giuđa Iscariot sau đó đi gặp các thượng tế để đề nghị nộp Chúa Giêsu (Mc 14,10). Theo đó, Giuđa đã đồng ý theo dõi Chúa Giêsu, và vì thế Thứ Tư Tuần Thánh còn được gọi là “Thứ Tư do thám” (Spy Wednesday).

Trong Phụng vụ, bài Phúc âm lấy từ Mt 26, kể lại việc Giuđa đồng ý phản bội Chúa Giêsu ra sao, cùng với các sự kiện xảy ra vào ngày hôm sau, kể cả việc chuẩn bị cho Bữa Tiệc Ly.

6) Điều gì xảy ra vào Thứ Năm Tuần Thánh?

Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu và các môn đệ đã sát tế con chiên Vượt Qua (Mc 14,12) và tìm thấy địa điểm mà Chúa Giêsu đã sắp xếp từ trước để ăn Bữa Tiệc Ly. Điều này liên quan đến một sự lẩn tránh. Thay vì đơn thuần nói cho các môn đệ biết sẽ ăn Lễ Vượt Qua ở đâu, Chúa Giêsu sai hai ông vào thành, gặp một người đàn ông mang vò nước (đây là một dấu hiệu bất thường, vì lấy nước thường là công việc của phụ nữ). Hai môn đệ đi theo người đàn ông này về nhà, sau đó chủ nhà sẽ chỉ cho họ một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng.

Mục đích rõ ràng của sự lẩn tránh này là để Giuđa không biết trước bữa ăn Vượt Qua sẽ được thực hiện ở đâu, nhằm ngăn cản ông có thể phản bội Chúa Giêsu trước khi ăn Bữa Tiệc Ly.

Trong sự kiện này, Chúa Giêsu đã rửa chân cho các môn đệ (Ga 13,1-20) và tiên báo về sự phản bội của Giuđa và sự chối thày của Phêrô. Đáng chú ý nhất, theo lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đó là tại Bữa Tiệc Ly “khi Chúa Giêsu ban cho Giáo hội món quà Thánh Thể, thì đồng thời Người cũng thiết lập chức linh mục”.

Trong Bữa Tiệc Ly này, Chúa Giêsu cũng phán: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Trong tiếng Latin từ “điều răn” là mandatum, nên Thứ Năm Tuần Thánh còn được gọi là Maundy Thursday – ngày Chúa Giêsu cho chúng ta một điều răn mới.

Sau đó, Chúa Giêsu đến vườn Giêtsemani và cầu nguyện tại đây trước khi Giuđa đến cùng với một nhóm binh lính để bắt Người. Chúa Giêsu bị đưa đến dinh thầy cả thượng phẩm, tại đây, Phêrô đã chối Chúa Giêsu ba lần, và một phiên xét xử được tiến hành tại dinh Caipha. Một số yếu tố có thể xảy ra sau nửa đêm, nói cách chính xác hơn, đã xảy ra sáng sớm Thứ Sáu Tuần Thánh.

Trong Phụng vụ, vào sáng Thứ Năm Tuần Thánh, theo thông lệ, giám mục và các linh mục trong giáo phận của mình sẽ cử hành “Thánh lễ Truyền Dầu”, trong đó các loại dầu dùng trong các Bí tích được thánh hiến.

Vào buổi chiều tối, Mùa Chay kết thúc với việc cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly. Theo Quy luật Tổng quát, Mùa Chay bắt đầu “từ thứ Tư lễ Tro và kết thúc ngay trước Thánh lễ Tiệc ly” (Số 28).

Một mùa Phụng vụ mới – Tam Nhật Vượt Qua – bắt đầu tại thời điểm này. “Tam nhật Vượt qua tưởng niệm Cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Chúa bắt đầu với Thánh lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh” (số 19).

Bài Phúc âm trong Thánh Lễ Tiệc Ly được trích từ Tin Mừng Gioan 13, trong đó Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Theo đó, linh mục cử hành Thánh Lễ có thể tùy nghi làm điều tương tự cho một số tín hữu trong thánh lễ.

Sau thánh lễ, các khăn trải bàn thờ được lấy đi và bàn thờ hoàn toàn để trống. Mình Thánh Chúa được kiệu sang bàn thờ phụ. Sau đó, là việc chầu Thánh Thể trong thinh lặng.

7) Điều gì xảy ra vào Thứ Sáu Tuần Thánh?

Trong Tin Mừng, khi trời vừa sáng Chúa Giêsu bị giải đến trước tổng tấn Philatô. Rõ ràng, các phiên xét xử Chúa Giêsu của thầy cả thượng phẩm đã kéo dài suốt đêm, và Gioan cho biết rằng các quan chức Do Thái vẫn chưa ăn Lễ Vượt Qua (Ga 18,28).

Lúc này, Tin Mừng Matthêu cho biết rằng Giuđa hối hận và nhất quyết đòi trả lại số tiền 30 đồng bạc mà ông đã nhận khi nộp Chúa Giêsu cho các thượng tế và kỳ mục, sau đó Giuđa đã đi treo cổ tự tử (Mt 27,3-10).

Sau đó, diễn ra một loạt các thủ tục pháp lý, bao gồm cả phiên điều trần trước vua Hêrôđê (Lc 23,6-12). Cuối cùng, Chúa Giêsu đã bị kết án đóng đinh.

Trong thời gian Chúa Giêsu bị đóng đinh, “Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín” (Mt 27,45) – tức là khoảng từ trưa đến 3 giờ chiều – Chúa Giêsu chết vào thời điểm này.

Vì ngày Sabath sắp bắt đầu vào lúc mặt trời lặn, người ta đã sắp xếp chôn cất Chúa Giêsu cách vội vàng trong mộ của ông Giôxép người thành Arimathê, và cũng là môn đệ Ðức Giêsu, vì ngôi mộ này nằm gần nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh (Ga 19, 38-42).

Hôm nay, theo Phụng vụ không được cử hành Thánh lễ. Thay vào đó, là cử hành việc Rước lễ (thường vào khoảng 3 giờ chiều). Cử hành này bao gồm Phụng vụ Lời Chúa, suy tôn Thánh giá, và rước lễ với Mình Thánh đã được truyền hôm trước, tức là Thứ Năm Tuần Thánh.

8) Điều gì xảy ra vào Thứ Bảy Tuần Thánh?

Trong các Tin Mừng, tường thuật duy nhất chúng ta có về ngày này là từ Lc 23,56: Ngày sabát, mọi người nghỉ lễ như Luật truyền.

Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Giáo Hội ở bên mộ Chúa để suy ngắm cuộc tử nạn của Người. Do đó, vào ban ngày, không cử hành Thánh lễ và chỉ cho rước lễ như của ăn đàng. Tuy nhiên, sau khi màn đêm buông xuống, nghi thức Canh thức Vượt qua được cử hành và phải kết thúc trước hừng đông ngày Chúa Nhật.

Qua nghi thức Canh thức Vượt qua, Giáo Hội canh thức chờ Đức Kitô sống lại. Thánh lễ này bao gồm một nghi thức đặc biệt, trong đó các tín hữu cầm đèn hoặc nến được thắp sáng, phản ánh dụ ngôn về các trinh nữ khôn ngoan chờ đợi Đức Kitô trở lại với đèn sáng trong tay (Mt 25,1-13), hơn nữa, nhằm chia sẻ niềm vui với Giáo Hội và đón nhận Đức Kitô là ánh sáng của mọi người và của thế gian.

Theo thông lệ, các dự tòng được lãnh nhận bí tích Rửa tội. Họ cũng được lãnh Bí tích Thêm sức và rước lễ lần đầu, hoàn thành các Bí tích Khai tâm Kitô giáo.

9) Điều gì xảy ra vào Chúa Nhật Phục Sinh?

Trong Tin Mừng, các môn đệ trước hết biết đến sự Phục Sinh sau khi các phụ nữ đến mộ và gặp các Thiên thần nói về ngôi mộ trống. Điều này khiến các môn đệ hoang mang, nhưng sự hoang mang đó đã được xua tan khi chính Chúa Giêsu hiện ra với các ông, khởi đầu niềm vui Phục Sinh.

Trong Phụng vụ, một Thánh lễ riêng được cử hành vào buổi sáng. Bài Phúc âm  trích từ Ga 20,1-9, kể lại việc bà Maria Mađalêna phát hiện ngôi mộ trống và việc Phêrô cùng người môn đệ Chúa Giêsu yêu dấu chạy đến mộ và nhận thấy lời tường thuật của bà là đúng.

Tam Nhật Vượt Qua kết thúc. Quy luật Tổng quát nói rằng Tam Nhật Thánh “kết thúc bằng giờ kinh Chiều Chúa nhật Phục sinh” (Số 19).

Vào thời điểm này, mùa Phụng vụ vui tươi của Lễ Phục Sinh bắt đầu.

Nt. Anna Ngọc Diệp, OP
Dòng Đa Minh Thánh Tâm
Chuyển ngữ từ: ncregister.com (22. 03. 2024)

Con Lòng Bà

Con lòng Bà

Trong một buổi chia sẻ Lời Chúa giữa các bà mẹ, sau khi nghe đọc đoạn Tin Mừng chiều hôm nay, thì một bà đã đặt câu hỏi: Khi mang thai, có chị nào biết rõ con mình sẽ ra sao hay không? Dĩ nhiên không phải chỉ biết nó là trai hay gái, mà còn phải biết khi khôn lớn, nó sẽ như thế nào? Tất cả đều mỉm cười và lắc đầu không thể nào biết rõ được tương lai của đứa bé. Họ chỉ cầu mong cho nó được khoẻ mạnh và nên người.

Thực vậy, không một bà mẹ nào lại biết chắc con mình ngày mai sẽ ra sao ngoại trừ Đức Maria. Chỉ còn một vài ngày nữa là Người Con của Mẹ sẽ được sinh ra và cùng với Mẹ chúng ta đi thăm người chị họ là bà Elisabeth. Chính bà chị họ này cũng biết người con ấy như thế nào, khi bà nói cùng Mẹ: Bởi đâu tôi được diễm phúc là Mẹ cua Chúa tôi đến viếng thăm. Và ngày cả Gioan trong lòng bà Elisabeth cũng hay biết vì Gioan đã nhảy mừng hớn hở.

Chúng ta hẳn còn nhớ câu chuyện truyền tin được đọc trong ngày lễ Vô Nhiễm. Thiên thần nói với Đức Maria rằng Ngài sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Và Con của Mẹ là Đấng cao trọng. Người sẽ là Con Thiên Chúa, sẽ là một vị vua và nước của Ngài sẽ trường tồn. Và như thế, hẳn Mẹ đã biết được Người Con của Mẹ sẽ như thế nào? Vậy tại sao Giáo Hội lại đặt bài Tin Mừng này vào Chúa nhật thứ IV, Chúa nhật cuối cùng của mùa Vọng, gần kề với lễ Giáng Sinh?

Lý do thật tự nhiên và đơn giản. Bởi vì đã gần tới giờ của Mẹ và chúng ta, những người con của Mẹ, cùng chia sẻ niềm vui mừng và hy vọng với Mẹ. Mẹ đã biết Người Con của Mẹ sẽ ra sao.

Chúng ta cũng thế, nhờ đức tin, chúng ta cũng biết Ngài là ai và Ngài sẽ đến viếng thăm chúng ta một cách đặc biệt trong đêm giáng sinh. Chúng ta biết Ngài là Thiên Chúa, mặc dầu Ngài chỉ là một hài nhi bé nhỏ và yếu đuối. Chúng ta biết Ngài là Đấng thánh thiện tuyệt vời, mặc dầu bên ngoài Ngài giống như chúng ta mọi đàng. Ngài là Thiên Chúa thật và là người thật. Cùng với Mẹ Maria chúng ta biết Ngài là Đấng cao trọng. Cao trọng trong tình yêu, cao trọng trong hành động cũng như trong lời nói. Ngài như một bông sen trổi vượt trên đám bùn nhơ. Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộccứu chuộc của chúng ta. Mẹ Maria biết Người Con của Mẹ là ai và chúng ta cũng biết như thế.

Sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta hân hoan chia sẻ niềm vui mừng và hy vọng với Mẹ. Bởi vì ngày sinh nhật của Đức Kitô sẽ đem lại cho chúng ta sự an bình và hạnh phúc.

Gặp gỡ Chúa

Gặp gỡ Chúa

Trong đêm khuya, người đàn ông đứng một mình trên đỉnh đồi heo hút. Đó là một đêm tuyệt đẹp. Bầu trời đầy sao. Tâm hồn ông thật thanh thản và bình an. Ông cảm nhận được rằng cuộc đời là một ơn huệ. Và ông đã cho biết: Chính trong đêm hôm ấy trên đỉnh đồi cao, ông đã bắt đầu tin vào Thiên Chúa. Các nhà tâm lý học thường gọi cảm nghiệm trên đây là “khoảng khắc cao điểm”. Đó là lúc mà chỉ trong thoáng chốc, chúng ta nhận ra một thế giới mới vô cùng to lớn và xinh đẹp. Từ đó, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay.

Thực vậy, Phúc Âm đã ghi lại: Vừa nghe lời Maria chào, thì hài nhi trong bụng bà Isave liền nhảy mừng. Một đứa bé đạp trong bụng mẹ là điều rất bình thường. Thế nhưng, khi kẻ lại chi tiết này, hẳn thánh Luca muốn coi đó như là một cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Giêsu, cũng như một chào đón mà Gioan muốn dành cho Ngài.

Trong Phúc Âm, chúng ta cũng ghi nhận được những khoảng khắc cao điểm như thế. Chẳng hạn như sau mẻ lưới lạ lùng, Phêrô đã quỳ xuống và thưa lên cùng Chúa: Lạy thầy xin hãy tránh xa con, vì con chỉ là một kẻ tội lỗi. Nói cách khác, Phêrô đã cảm nghiệm được sự tốt lành thánh thiện của Chúa. Lần khác, sau khi Chúa Giêsu biến hình trên đỉnh Tabôrê, thì từ đám mây có tiếng phán: Này là Con ta yêu dấu, đẹp long Ta mọi đàng. Các con hãy vâng theo lời Ngài. Khi nghe thế, ba môn đệ thân tín liền sấp mặt xuống đất, lòng vô cùng sợ hãi. Hay nói cách khác, trong phút giây ngắn ngủi ấy, các ông đã cảm nghiệm được chiều kích thẳm sâu của Chúa Giêsu.

Ngày nay, nhiều người vẫn được Chúa ban cho những khoảng khắc cao điểm như thế. Chẳng hạn như Paul Nagai. Ông đã cảm nghiệm được sự sống vĩnh cửu qua cái nhìn của người mẹ trong cơn hấp hối. Chẳng hạn như Paul Claudel đã cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa qua tiếng hát trong buổi kinh chiều của ngày lễ Giáng sinh. Chẳng hạn như Phanxicô Xaviê đã cảm nghiệm được giá trị của linh hồn qua lời nhắc bảo của Ignatio: Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn, thì nào có ích lợi chi?

Cảm nghiệm về Đức Kitô thì không máy móc nào có thể chế tạo được. Không chiếc vi tính nào có thể lập trình, cũng không thể cứ muốn là được. Vì đây là một quà tặng Ngài trao ban. Chúng ta cần phải mở rộng cõi lòng để lãnh nhận.

Và Mùa Vọng chính là thời gian thuận tiện để chúng ta thự hiện việc làm này. Đây là lúc chúng ta phải tự chấn chỉnh lấy mình, để chào đón Đức Kitô trong cuộc đời chúng ta. Nếu chúng ta biết mở rộng cõi lòng cho Ngài, thì ngày diễm phúc ấy sẽ đến và lúc đó chúng ta sẽ thực sự cảm nghiệm được niềm hạnh phúc, sự bình an và tình yêu thương mà Ngài sẽ đem đến khi viếng thăm chúng ta.

Đồng Hành và Chia Sẻ

Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn

Đồng Hành và Chia Sẻ

ƠN CỨU ĐỘ CỦA CHÚA cho mọi người

Càng đến lễ Giáng Sinh thì khuôn mặt Đức Mẹ càng nổi bậc vì Mẹ đóng vai trò quan trọng trong mầu nhiệm nhập thể. Cụ thể, Tin Mừng hôm nay nói đến việc Mẹ Maria đi thăm chị Elizabét. Tại sao Mẹ đi thăm bà ấy? Có người cho rằng Sứ thần truyền cô Maria sẽ thụ thai đang khi cô không biết đến người đàn ông, cô Maria nghi ngờ chuyện thụ thai này. Rồi Sứ thần còn cho biết bà chị họ của cô Maria là Elizabét đã có thai trong khi già nua, chuyện này khó tin thật nên Mẹ quyết định lên đường vừa thăm chị vừa xem sự thể có đúng không? Nếu đúng thì chuyện mình cũng đúng. Nghĩ như vậy thì tội nghiệp cho Đức Mẹ, Mẹ đâu có hồ nghi như chúng ta! Mẹ cũng không đi thăm bà chị để khoe rằng tôi được làm Mẹ Đức Chúa Trời. Trái lại, Mẹ tin vững vàng và sắt son vào Chúa từ lâu rồi, cho nên bà Elizabét đã khen ngợi Đức Mẹ rằng: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với em”.

Cô Maria là một cô thôn nữ xinh đẹp như bao thiếu nữ trong làng. Cô mơ ước có được một tấm chồng, sinh con và gia đình hạnh phúc. Thế mà, Thiên Chúa đến mời gọi Cô dấn thân vào một cuộc sống mới, đó là tham dự vào công trình đem ơn cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Qủa thế, Mẹ Maria đã tin vào Lời Chúa và để cho Lời Chúa thay đổi cuộc đời mình theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận lên đường mang Chúa đến cho con người trong tin yêu và phó thác. Khi nghe tin bà chị có thai trong lúc tuổi già, Mẹ đi để chia sẻ ơn Chúa, tình nguyện phục vụ và chăm sóc bà chị thân yêu của mình. Cho nên, khi mẹ đến với bà Elizabét, thì Gioan trong bụng bà nhảy mừng. Vì sao mừng? Vì Đức Mẹ chính là hòm bia Thiên Chúa và cung lòng Mẹ đang cưu mang chính Thiên Chúa làm người, Chúa Giêsu Kitô. Mà Chúa Giêsu chính là ơn cứu độ của Thiên Chúa là niềm vui cho nhân loại mà hôm nay Mẹ Maria đã thông chia cho nhân loại già nau, cằn cổi, héo hon như lòng bà Elizabét và Gioan đại diện nhân loại mới nhảy mừng trước ơn cứu độ của Thiên Chúa.

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của Mùa vọng, Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm cuộc thăm viếng hồng phúc chứa chan ơn cứu độ của Mẹ Maria, để rồi mỗi người hãy tiếp tục đem niềm vui ơn cứu độ của Chúa đến cho những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống. Nhưng làm sao chúng ta có được niềm vui ơn cứu độ của Thiên Chúa như Mẹ Maria. Bài đọc hai trả lời rằng hãy vâng nghe và thực thi ý Chúa. Bất cứ ai sống và vâng nghe Lời Chúa đều có thể ngợi khen Thiên Chúa như Mẹ: thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Giờ đây, chỉ còn vấn đề là chúng ta có hăng hái lên đường mang Đấng cứu độ và tinh thần phục vụ yêu thương của Ngài đến cho mọi người không? Chúng ta có tha thiết gì với niềm khát khao hạnh phúc của người khác không, có sẵn sàng đồng hành với họ trong cuộc sống? Chúng ta mau mắn giúp đỡ những người cần chúng ta giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất không?

Kính thưa quý ông bà, anh chị em, vì yêu thương, Mẹ Maria đã không quản ngại hy sinh gian khổ, cực nhọc lặn lội suốt 3-4 ngày đi bộ chỉ mong đem niềm vui ơn cứu độ đến cho gia đình bà chị họ và cho cả nhân loại. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người tùy khả năng của mình biết hy sinh tinh thần vật chất đem niềm vui ơn cứu độ Chúa đến với mọi người đang sống chúng quanh chúng ta. Chúng ta đang đi vào những ngày tháng của năm phụng vụ, với mục tiêu là đồng hành với các gia đình khó khăn. Để đạt hiệu quả tốt nhất của việc đồng hành này, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: hãy mở mắt và mở cõi lòng mình ra cho tất cả những ai đang sống tại những vùng rìa khác nhau của kiếp hiện sinh, những người nghèo khổ, những người bị cướp đi phẩm giá của họ và các bệnh nhân. Chúng ta được mời gọi chữa trị những vết thương ấy, hầu xoa dịu những vết thương ấy bằng dầu ủi an, băng bó những vết thương ấy bằng lòng thương xót, và chữa lành những vết thương ấy bằng tình liên đới và sự kính trọng (số 15§1). Hãy làm việc bác ái đối với tha nhân cả thể xác và tinh thần theo theo lời dạy của Chúa Giê-su: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, khuyên bảo, dạy dỗ, an ủi… (x. Mt 25, 31-45) (số 15§2).

Cho nên, trong Thư mục vụ 2018-2019, Hội Đồng Giám mục Việt nam mời gọi toàn thể dân Chúa rằng theo gương Chúa Giêsu, chúng ta được mời gọi chăm sóc mục vụ cho các gia đình, nhất là những gia đình gặp khó khăn. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi xin anh chị em lưu tâm đến trước hết là các gia đình di dân: ngày nay vì hoàn cảnh kinh tế, rất nhiều gia đình phải rời bỏ làng quê để tìm kế sinh nhai trong những thành phố lớn. Chỉ một số ít thành công, còn đa số gặp nhiều khó khăn trong việc làm ăn, sinh hoạt gia đình, giáo dục con cái. Về mặt đức tin, họ cũng gặp khó khăn trong việc hội nhập cộng đoàn giáo xứ mới. Vì thế, chúng ta phải mở rộng vòng tay đón tiếp, để các gia đình di dân cảm nhận cộng đoàn giáo xứ là nhà của họ, nơi đó đức tin được nuôi dưỡng, lòng mến được vun trồng, và hy vọng được triển nở giữa những khó khăn thử thách. Kế đến là những cặp hôn nhân khác đạo: trong những gia đình này, có những khó khăn riêng do việc vợ chồng không cùng niềm tin tôn giáo, ảnh hưởng đến việc giữ đạo của người Công giáo cũng như việc giáo dục con cái trong gia đình. Vì thế, chúng ta cần đồng hành và nâng đỡ họ, nhất là giúp người phối ngẫu Công giáo trong đời sống đức tin, để họ có thể làm chứng cho Tin Mừng và giới thiệu Chúa Giêsu cho mọi người trong gia đình, gia tộc và lối xóm. Cuối cùng là những gia đình bị đổ vỡ: dựa vào giáo huấn của Chúa, Hội Thánh luôn mong muốn các đôi vợ chồng chung thủy với nhau đến trọn đời. Tuy vậy, trong thực tế, nhiều cặp hôn nhân rơi vào tình trạng mâu thuẫn không thể hòa giải và dẫn tới đổ vỡ. Một số người Công giáo rơi vào tình trạng này vì hoàn cảnh chứ không hoàn toàn do lỗi riêng của họ. Vì thế, thay vì lên án và loại trừ, chúng ta cần cảm thông và giúp đỡ họ nơi cộng đoàn đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày. Đối với những người đã li dị và tái hôn, họ vẫn được Hội Thánh yêu thương và quan tâm chăm sóc với tình mẫu tử.

Vâng, chỉ những hy sinh đồng hành như thế mới có giá trị thật sự để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giêsu sắp giáng sinh cứu độ chúng ta và cũng sẵn sàng đồng hành, sẻ chia tin vui cứu độ cho người khác, nhất là những người đang đau khổ và khó khăn như Mẹ Maria hôm nay. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ để yêu thương, đông hành và chia sẻ tình yêu cứu độ của Chúa với mọi người, nhất là các gia đình đang gặp khó khăn trong giáo xứ chúng ta. Hãy cưu mang Chúa Giêsu trong tâm hồn, để như Mẹ, ta cũng có thể mang một tâm hồn tràn ngập sự sống của Chúa Giêsu và ơn cứu độ của Ngài đến với anh chị em xung quanh, nhờ đó, mọi người sẽ chứa chan niềm vui, chứa chan ơn thánh, chứa chan niềm hạnh phúc trong cuộc sống này. Amen.

Chia sẻ Lòng Thương Xót Chúa cho mọi người

Chia sẻ Lòng Thương Xót Chúa cho mọi người

(Suy niệm của Lm. Joshepus Quang Nguyễn)

Càng đến lễ Giáng Sinh thì khuôn mặt Đức Mẹ càng nổi bậc vì Mẹ đóng vai trò quan trọng trong mầu nhiệm nhập thể. Cụ thể, Tin Mừng hôm nay nói đến việc Mẹ Maria đi thăm chị Elizabét. Tại sao Mẹ đi thăm bà ấy? Có người cho rằng Sứ thần truyền cô Maria sẽ thụ thai đang khi cô không biết đến người đàn ông là chuyện mơ hồ. Rồi Sứ thần còn cho biết bà chị họ của cô Maria là Elizabét đã có thai trong khi già nua, những chuyện đó khó tin thật nên Mẹ quyết định lên đường vừa thăm chị vừa xem sự thể có đúng không? Nếu đúng thì chuyện mình cũng đúng. Nghĩ như vậy thì tội nghiệp cho Đức Mẹ, Mẹ đâu có hồ nghi như chúng ta! Mẹ cũng không đi thăm bà chị để khoe rằng tôi được làm mẹ Đức Chúa Trời. Trái lại, Mẹ tin vững vàng và sắt son vào Chúa từ lâu rồi, cho nên bà Elizabét khen ngợi Đức Mẹ rằng: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người nói với em”.

Cô Maria là một cô thôn nữ xinh đẹp như bao thiếu nữ trong làng. Cô mơ ước có được một tấm chồng, sinh con và gia đình hạnh phúc. Thế mà, Thiên Chúa đến mời gọi Cô dấn thân vào một cuộc sống mới, đó là tham dự vào công trình đem ơn cứu độ, là Lòng Thương Xót Chúa đến cho mọi người. Qủa thế, Mẹ Maria đã tin vào Lời Chúa và để cho Lời Chúa thay đổi cuộc đời mình theo chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Mẹ chấp nhận lên đường mang Chúa đến cho con người trong tin yêu và phó thác. Khi nghe tin bà chị có thai trong lúc tuổi già, Mẹ đi để chia sẻ lòng thương xót Chúa, tình nguyện phục vụ và chăm sóc bà chị thân yêu của mình. Cho nên, khi mẹ đến với bà Elizabét, thì Gioan trong bụng bà nhảy mừng. Vì sao mừng? Vì Đức Mẹ chính là hòm bia Thiên Chúa và cung lòng Mẹ đang cưu mang chính Thiên Chúa làm người, Chúa Giêsu Kitô. Mà Chúa Giêsu chính là dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa là niềm vui cho nhân loại mà hôm nay Mẹ Maria đã thông chia nhân loại già nau, cằn cổi, héo hon như lòng bà Elizabét và Gioan đại diện nhân loại mới nhảy mừng trước ơn cứu độ, là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của Mùa vọng, Lời Chúa mời gọi chúng ta chiêm ngắm cuộc thăm viếng hồng phúc chứa chan ơn cứu độ của Mẹ Maria, để rồi mỗi người hãy tiếp tục đem nguồn vui là Lòng Thương Xót Chúa đến cho những người chúng ta gặp gỡ hằng ngày trong cuộc sống. Nhưng làm sao chúng ta có được niềm vui và Lòng Thương Xót của Thiên Chúa như Mẹ. Bài đọc hai trả lời rằng hãy vâng nghe và thực thi ý Chúa. Bất cứ ai sống và vâng nghe Lời Chúa đều có thể ngợi khen Thiên Chúa như Mẹ: thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Giờ đây, chỉ còn vấn đề là chúng ta có hăng hái lên đường mang Đấng cứu độ, Lòng Thương Xót của Chúa và tinh thần phục vụ yêu thương đến cho mọi người không? Chúng ta có tha thiết gì với niềm khát khao hạnh phúc của người khác không? Chúng ta mau mắn giúp đỡ những người cần chúng ta giúp đỡ tinh thần cũng như vật chất không?

Kính thưa quý ông bà, anh chị em, vì yêu thương, Mẹ Maria đã không quản ngại hy sinh gian khổ, cực nhọc lặn lội suốt 3-4 ngày đi bộ chỉ mong đem Lòng Thương Xót của Chúa và niềm vui đến cho gia đình bà chị họ và cho cả nhân loại. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người tùy khả năng của mình biết hy sinh tinh thần vật chất đem niềm vui ơn cứu độ Chúa đến với toàn thể nhân loại này. Chúng ta đang đi vào những ngày thánh của Năm Thánh Lòng Thương Xót. Để Năm Thánh này đat hiệu quả tốt nhất, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: hãy mở mắt và mở cõi lòng mình ra cho tất cả những ai đang sống tại những vùng rìa khác nhau của kiếp hiện sinh, những người nghèo khổ, những người bị cướp đi phẩm giá của họ và các bệnh nhân. Chúng ta được mời gọi chữa trị những vết thương ấy, hầu xoa dịu những vết thương ấy bằng dầu ủi an, băng bó những vết thương ấy bằng Lòng Thương Xót, và chữa lành những vết thương ấy bằng tình liên đới và sự kính trọng (số 15§1). Hãy làm việc bác ái đối với tha nhân cả thể xác và tinh thần theo theo lời dạy của Chúa Giê-su: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, khuyên bảo, dạy dỗ, an ủi… (x. Mt 25, 31-45) (số 15§2). Và Đức Thánh Cha quả quyết họ là hiện thân của Chúa Giê-su, vì thế chúng ta phải nhận ra, đụng chạm và giúp đỡ họ một cách chu đáo (số 15§3).

Đặc biệt trong Thư chung Năm Phúc âm hóa xã hội, Hội Đồng Giám mục Việt nam mời gọi hãy sống, loan báo, làm chứng và chia sẻ Lòng Thương Xót nơi xã hội mình sống. Cụ thể, mỗi gia đình biết hy sinh một chút thời gian để cùng nhau đọc kinh sáng tối để Chúa xót thương từng người trong gia đình đồng thời làm sáng danh Chúa. Mỗi người biết hy sinh một chút tiền tiêu, một chút công sức để giúp đỡ người nghèo, những người cô thế cô thân. Còn các bạn trẻ hãy hy sinh một ít thời gian quý báu đi học giáo lý, tập hát, giúp lễ hay làm việc gì đó trong nhà thờ để ca tụng, ngợi khen và tôn vinh Chúa. Các em thiếu nhi hãy biết hy sinh quảng đại phục vụ gia đình và mọi người bằng những việc rất nhỏ như quét nhà, giúp mẹ nấu ăn rửa chén, cầm tay giúp bà già qua đường, cho người ăn xin, người khuyết tật một nụ cười thay vì khinh chê, chọc nghẹo. Vâng, chỉ những hy sinh như thế mới có giá trị thật sự để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa Giêsu sắp giáng sinh cứu độ chúng ta và cũng sẵn sàng sẻ chia tin vui cứu độ cho người khác như Mẹ Maria hôm nay.

Hôm nay, Mẹ Maria dạy chúng ta một bài học đáng giá: Hãy mang Chúa và Lòng Thương Xót đến với mọi người, chứ đừng mang hận thù, đừng mang những suy nghĩ đen tối, những nghi kỵ đến với nhau. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ để yêu thương và chia sẻ tình yêu thương xót với mọi người. Hãy cưu mang Chúa Giêsu trong tâm hồn, để như Mẹ, ta cũng có thể mang một tâm hồn tràn ngập sự sống của Chúa Giêsu và Lòng Thương Xót của Ngài hầu mang chính Chúa Giêsu đến với anh chị em xung quanh, nhờ đó, mọi người sẽ chứa chan niềm vui, chứa chan ơn thánh, chứa chan niềm hạnh phúc và thương xót nhau. Amen.

Khôn và Khờ

KHÔN VÀ KHỜ

CN 32 A

Tỉnh thức và sẵn sàng là điều quan trọng hơn cả, nên Chúa tiếp tục dùng dụ ngôn nhắn nhủ chúng ta. Câu chuyện những cô gái được mời cầm đèn, làm hàng rước danh dự đi đón chàng rể, theo phong tục cưới hỏi, được Chúa dùng để diễn tả một vài khía cạnh của sự sẵn sàng ấy. Đám cưới thường tổ chức vào buổi tối mùa hè, khí trời mát mẻ. Chàng rể đến nhà đàng gái còn phải qua nhiều thủ tục, nhất là chuyện trao của hồi môn, trước khi đưa được cô dâu ra khỏi nhà. Trong khi đó đoàn rước dâu phải chờ. Cô dâu được chú rể rước về nhà trai, người ta nhảy múa ngoài sân cho tới khi đèn cạn dầu mới vào nhà, đóng cửa lại và nhập tiệc.

Chuyện Chúa kể chia 10 cô gái thành hai nhóm khôn và khờ, mỗi nhóm năm cô. Nhóm khôn mang đèn và mang theo dầu dự trữ, nhóm khờ mang đèn mà không mang dầu dự trữ. Chàng rể bị chậm trễ vì thủ tục ở nhà gái nên tới trễ. Cả mười cô cầm đèn danh dự đều ngủ thiếp đi. Nghe tiếng hô bừng dậy thì đèn nào cũng tắt vì cạn dầu. Nhóm khôn có dầu dự trữ thì thắp đèn lên, nhóm khờ đi xin dầu không được, phải đi mua. Nhóm khôn sẵn sàng thì nhập đám rước vào nhà. Nhóm khờ đi mua được dầu về tới nơi thì cửa đã đóng vì tiệc cưới đã bắt đầu. Nhóm khờ bị từ chối không cho vào dự tiệc. Chúa nhắc lại điệp khúc: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào giờ nào.”

Chúng ta tự hỏi, “dầu dự trữ” ở đây có ý nghĩa gì? Khôn và khờ đều thiếp ngủ cả. Cái khác của nhóm khôn là có mang theo chai dầu dự trữ, nên đèn vẫn sẵn sàng. Nhưng không chia cho nhóm khờ được. Vậy thì “đèn và dầu” ở đây phải là cái gì sâu thẳm trong mỗi người để lúc nào cũng có thể soi sáng con đường mình đi. Việc Chúa chia ra hai nhóm khôn và khờ, nhắc ta đi tìm ý nghĩa trong văn chương khôn ngoan của Cựu Ước. Đặc biệt sách Châm Ngôn, chương thứ chín kể dụ ngôn Đức Khôn Ngoan mở tiệc đãi khách và Mụ Khờ Dại cũng nhái theo, ngồi mời mọc kẻ qua người lại. Khôn Ngoan mời: Hãy đen mà ăn bánh của ta và uống rượu ta pha chế! Đừng ngây thơ khờ dại nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biếtNhờ ta con sẽ được sống lâu và tăng thêm tuổi thọ. Nếu con khôn thì chính con được hưởng, còn con ngoan cố thì gánh chịu một mình.

Còn “thực khách Mụ Khờ Dại mời, lại phải ở trong chốn âm ty sâu thẳm” (Cn 9,1-18). Những lời nhắn nhủ Chúa đưa ra trong bài giảng này và các dụ ngôn đều xoay quanh sự khôn ngoan, sống theo đường lối của Chúa, đừng để bị lừa dối bởi các kitô giả và ngôn sứ giả. Sự khôn ngoan của Tin Mừng được đón nhận và nắm giữ nhờ đức tin, là đèn và dầu của chúng ta. “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 24, 13).(x.Tĩnh tâm với sách Tin mừng Matthêu, Lm Giuse Nguyễn Công Đoan. SJ).

Sự khôn ngoan của các cô trinh nữ là luôn tỉnh thức, tay cầm đèn cháy sáng trong tay và mang theo dầu dự trữ. Có thể hiểu “đèn cháy sáng” là luôn sống dưới ánh sáng hướng dẫn của Chúa và “dầu dự trữ” là những việc lành phúc đức như “của gởi về đời sau”.

Dụ ngôn Muời Cô Trinh Nữ được đặt trong bối cảnh chuẩn bị kết thúc năm Phụng Vụ.Chúa Giêsu được mô tả qua dung mạo chàng rể và tiệc cưới là Nước Thiên Chúa. Chàng rể đến chậm và vào lúc bất ngờ. Chúa Kitô quang lâm vào ngày tận cùng của lịch sử là điều không ai có thể đoán trước được. Người Kitô hữu được diễn tả như các trinh nữ đi đón chàng rể. Trong số các trinh nữ đó, có năm cô khôn ngoan và có năm cô khờ khạo. Họ đều là phù dâu nhưng khôn và khờ khác nhau ở chỗ là mang theo dầu dự trữ.

Họ giống nhau ở ba điểm: Tất cả đều mang theo đèn. Tất cả đều nhắm đến một mục đích là đi đón chàng rể. Tất cả đều ngủ thiếp đi vì chàng rể đến chậm. Nhưng họ chỉ khác nhau có một điểm: các cô khôn biết lo xa nên mang dầu đầy đủ, các cô khờ không biết chuẩn bị dầu phòng xa nên đèn tắt. Các cô khôn được theo chú rể vào dự tiệc cưới hạnh phúc. Còn các cô khờ bị đuổi ra ngoài.

Nếu đức tin được ví như đèn, thì đức mến được ví như dầu. Đèn đức tin phải có dầu đức mến. Thiếu dầu đức mến, ngọn đèn đức tin sẽ tắt. Chỉ có dầu tình yêu mới thắp sáng được cây đèn đức tin của người tín hữu. Thánh Gioan viết: “Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa là tình yêu”.Cuộc đời và thế giới này rồi sẽ chấm dứt. Chúa sẽ đến ngày kết thúc đời người và dẫn vào dự tiệc Nước Trời. Mỗi người đều có đèn trong tay. Quan trọng là mình có chuẩn bị để ngọn đèn ấy cháy sáng vào lúc chung cuộc không. Quá muộn nếu đến lúc ấy chúng ta mới vội vã đi mua dầu.

Thiên Chúa muốn đưa con người vào tiệc cưới Nước Trời. Con người cần phải chuẩn bị sẵn sàng. Mỗi người phải chịu trách nhiệm về số phận đời đời của mình. Không ai có thể làm thay cho mình được.

Giờ phút long trọng và quyết định, đó là lúc chàng rể xuất hiện, lúc ấy mỗi người chuẩn bị đèn cháy sáng của mình. Đến lúc này mới thấy là ai khôn và ai dại, ngọn đèn của các cô khôn ngoan vẫn còn cháy sáng, còn ngọn đèn của các cô khờ dại đã tắt từ lâu. Vào phút giây long trọng ấy, không ai có thể giúp mình được. Các cô khờ dại không thể xin dầu của ai được. Người khôn ngoan biết xác định cùng đích cuộc đời của mình và chuẩn bị những gì cần thiết để đạt được cùng đích đó. Người khờ dại không biết phải chuẩn bị những gì.

Ai cũng phải đối diện với ngày cuối cùng cuộc đời là giờ chết, phút giây ấy không ai giúp ai. Mỗi người theo sự khôn ngoan hay khờ dại đón nhận số phận chung cuộc.

Người ta cứ tự hỏi: Bao giờ chàng rể đến? Bình dầu thì cứ vơi dần! Màn đêm buông xuống, đôi mắt cũng nặng trĩu theo! Chờ đợi bao giờ cũng mệt mỏi căng thẳng!

Biết rằng đèn cháy sáng thì dầu cạn dần. Tình yêu chờ đợi mãi cũng mòn mỏi. Lời kinh có đôi khi cũng phôi pha. Hãy kín múc dầu tình yêu nơi suối nguồn yêu thương chính là Bí tích Thánh Thể. Nơi đó, chúng ta không chỉ nhận được dầu tình yêu, dầu ân sủng, mà còn được trao ban chính Mình Thánh Chúa làm của ăn, để chúng ta tỉnh thức mà chờ đợi Người dẫn đưa ta vào tiệc cưới Nước Trời.

Trước khi tắt thở, Thánh Têrêxa Avila môi mấp máy nói lên với Chúa :“Lạy Chúa Giêsu, này là giờ chúng ta gặp nhau”. Thánh Têrêxa Giêsu Hài Đồng thân thưa: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa” và ngài ra đi bình an. Hai trinh nữ khôn ngoan đã cầm đèn cháy sáng Tin Yêu ra đón Chúa và đã được gặp gỡ “Đấng Tình Quân” muôn thuở của mình.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin vững vàng và lòng yêu mến nồng say để tất cả những gì chúng con làm đều nhằm chuẩn bị cho ngày Chúa trở lại.Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

18 Điều Suy Niêm

18 Điều Suy Niệm

1/ Kho tàng vô tận của ta là nụ cười
2/ Thông minh nhất của ta là tự chủ
3/ Công bình nhất ta có là thời gian

4/ Bạn thân nhất của ta là sức khoẻ
5/ An ủi nhất của ta là bố thí
6/ Sức mạnh nhất của ta là khoan dung

7/ Thông thái nhất của ta là tình thương
8/ Hy vọng nhất của ta là tự thay đổi
9/ Thành công nhất của ta là sự lễ độ

10/ Kẻ thù nhất của ta là tham vọng
11/ Cô độc nhất của ta là mặc cảm
12/ Dại dột nhất của ta là tuyệt vọng

13/ Đau khổ nhất của ta là tự ty
14/ Sai lầm nhất của ta là dối trá
15/ Ăn năn nhất của ta là bất hiếu

16/ Tật nguyền nhất của ta là ghen tỵ
17/ Yếu đuối nhất của ta là thịnh nộ
18/ Thất bại nhất của ta là tự kiêu.

Nam Quán – Đào Minh Quân