Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu là “chìa khóa” cho triều đại giáo hoàng của ĐTC Phanxicô

Thông điệp về Thánh Tâm Chúa Giêsu là “chìa khóa” cho triều đại giáo hoàng của ĐTC Phanxicô

Tại cuộc họp báo giới thiệu Thông điệp Dilexit Nos (Ngài đã yêu thương chúng ta) vào ngày 24/10/2024, Đức Tổng giám mục Bruno Forte của Chieti-Vasto, đã gọi thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô về Thánh Tâm là “chìa khóa cho toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài” và là “động lực truyền cảm hứng cho toàn sứ vụ và giáo huấn của ngài”.

Vatican News

Trong Thông điệp Dilexit Nos, Đức Thánh Cha kêu gọi canh tân lòng sùng kính Thánh Tâm trong thời đại hiện đại và nhiều thách thức cấp bách.

Bản tóm tắt những điều ĐTC Phanxicô muốn nói với nhân loại

 Đức Tổng Giám mục Forte nhận định rằng thông điệp này “rất đúng lúc” vì nó chú ý đến “trung tâm của tình yêu của Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô” và “những thách thức lớn lao của thời điểm hiện tại”.

Theo Tổng giám mục của Chieti-Vasto, giáo huấn của Đức Thánh Cha Phanxicô “không hề bị… giới hạn trong các vấn đề xã hội, như đôi khi người ta hiểu một cách vụng về”, và thông điệp của ngài “gửi đến toàn thể gia đình nhân loại bắt nguồn từ một nguồn mạch duy nhất, được trình bày ở đây theo cách rõ ràng hơn: Chúa Kitô, tình yêu của Người dành cho nhân loại”.

Ngài nói thêm: “Đó là chân lý mà Đức Jorge Mario Bergoglio đã đặt cược cả cuộc đời ngài và tiếp tục dành trọn cuộc đời một cách say mê với tư cách là Giám mục của Roma, mục tử của Giáo hội hoàn vũ”.

Ngài nhấn mạnh rằng thông điệp này “thực sự có thể được coi là một bản tóm tắt mọi thứ mà Đức Thánh Cha Phanxicô, vị giáo hoàng mà Chúa đã ban cho Giáo hội trong những năm tháng không dễ dàng này, đã muốn và muốn nói với mọi anh chị em trong nhân loại”. (CNA 24/10/2024)

Phương thuốc “đơn giản và hiệu quả” cho nhiều vấn đề xã hội

Về phần Đức Tổng Giám mục Timothy Broglio, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, ngài nhận định rằng với thông điệp “Dilexit Nos”, Đức Thánh Cha đã đưa ra phương thuốc “đơn giản và hiệu quả” cho nhiều vấn đề đang hoành hành trong xã hội hiện đại.

Ngài nói: “Những tệ nạn của xã hội hiện đại có thể được ví như một danh sách dài những căn bệnh nan y: Chủ nghĩa tiêu thụ, chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa đảng phái. Ngày nay, Đức Giáo hoàng Phanxicô đưa ra phương thuốc đơn giản và hiệu quả: Thánh Tâm Chúa Giêsu. Trong thông điệp Dilexit Nos mới nhất của ngài, Đức Thánh Cha dạy chúng ta rằng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu có thể mở rộng trái tim chúng ta để chúng ta có thể yêu và được yêu”.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nói rằng lòng sùng kính trái tim Chúa Giêsu tạo nên cuộc gặp gỡ với trái tim sống động của Chúa Giêsu và có sức mạnh “mang chúng ta lại với nhau như những người con của Thiên Chúa”. Đây là lý do tại sao Đức Thánh Cha nói rằng “tất cả chúng ta cần khám phá lại tầm quan trọng của trái tim”.

Đức Tổng Giám mục Broglio cũng mời gọi các tín hữu Công giáo cầu nguyện với thông điệp mới. (Crux 25/10/2024)

nguồn: https://www.vaticannews.va/vi

ĐTC Phanxicô sẽ công bố thông điệp “Dilexit nos” về Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô

ĐTC Phanxicô sẽ công bố thông điệp “Dilexit nos” về Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô

Vào ngày 24/10 tới đây, tại Phòng báo chí Toà Thánh, sẽ có cuộc họp báo giới thiệu thông điệp mới của Đức Thánh Cha Phanxicô “Dilexit nos” về Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô. Nội dung gồm các suy tư và huấn quyền của các Giáo hoàng về lòng sùng kính Thánh Tâm.

Vatican News

Chính Đức Thánh Cha đã loan báo điều này vào thứ Tư ngày 05/6, trong buổi tiếp kiến chung. Ngài nói:  “Chúng ta đang ở trong tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngày 27/12 năm ngoái (2023) là kỷ niệm đúng 350 năm Thánh Tâm Chúa được biểu lộ lần đầu tiên cho thánh nữ Margarita Maria Alacoque. Một thời kỳ cử hành đã được khai mạc vào dịp đó và sẽ kết thúc vào ngày 27/6 năm tới (2025). Nhân dịp này, tôi vui mừng chuẩn bị văn kiện thu thập những suy tư quý giá của các văn bản huấn quyền trước đây và lịch sử lâu dài bắt đầu từ Kinh Thánh, để tái đề nghị với toàn thể Giáo hội ngày nay, việc sùng mộ đầy vẻ đẹp thiêng liêng. Tôi tin rằng thật là điều rất tốt khi suy tư về nhiều khía cạnh của tình yêu Thiên Chúa, có thể soi sáng hành trình đổi mới Giáo hội; nhưng cũng để nói lên điều gì đó ý nghĩa cho một thế giới dường như đã đánh mất con tim”.

Năm 1956, Đức Giáo Hoàng Piô XII đã ban hành Haurietis Aquas, một thông điệp nhằm mục đích phục hồi lòng sùng kính Thánh Tâm trong thời kỳ đang suy giảm. Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh tầm quan trọng của lòng sùng kính đối với nhu cầu của Giáo hội và lòng sùng kính như một “ngọn cờ cứu rỗi” cho thế giới hiện đại.

Trong một lá thư kỷ niệm 50 năm ban hành thông điệp Haurietis Aquas, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã củng cố tình cảm này khi nói rằng “Mầu nhiệm về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta không chỉ là nội dung của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu; nhưng còn là trọng tâm của mọi nền linh đạo Kitô giáo đích thực”.

Đức Thánh Cha Phanxicô luôn thể hiện lòng sùng kính sâu sắc đối với Thánh Tâm, thường liên hệ đến sứ vụ linh mục. Năm 2016, ngài đã kết thúc Năm Thánh Linh mục vào Lễ trọng Thánh Tâm, thúc giục các linh mục hướng trái tim mình như Mục Tử Nhân Lành đến những ai lạc lối và xa cách.

Trong cùng Năm Thánh, trong Suy niệm đầu tiên về Lòng thương xót, Đức Thánh Cha đã khuyên các giám mục và linh mục đọc lại Haurietis Aquas, lưu ý rằng “trái tim của Chúa Kitô là trung tâm của lòng thương xót. Đây là bản chất của lòng thương xót: làm bẩn tay, chạm vào, tham gia và can dự đến người khác”.

Dilexit nos là thông điệp thứ tư của Đức Thánh Cha Phanxicô, sau Lumen fidei (29/6/2013), được viết cùng với Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI; Laudato sì (24/5/2015) và Fratelli tutti (3/10/2020).

Dilexit nos sẽ được giới thiệu tại Phòng Báo chí Toà Thánh vào ngày 24/10 bởi Đức Tổng Giám Mục Bruno Forte của giáo phận Chieti-Vasto, thần học gia, cùng với Sơ Antonella Fraccaro, Bề trên Tổng quyền Dòng các Môn đệ Tin Mừng.

nguồn : https://www.vaticannews.va/vi

HĐGMVN Hội Nghị Thường Niên Kỳ I Năm 2024

HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

HỘI NGHỊ THƯỜNG NIÊN KỲ I NĂM 2024

(14 – 18/4/2024)

 

BIÊN BẢN

 

Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên kỳ I năm 2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long, từ ngày 14 đến 18 tháng 4 năm 2024. Tham gia Hội nghị có Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và 29 Giám mục đang phục vụ tại 27 giáo phận tại Việt Nam.

Trong Hội nghị lần này, Hội đồng Giám mục hân hoan chào đón và lắng nghe chia sẻ của Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Đại diện Toà Thánh thường trú tại Việt Nam. Đức Tổng Giám mục Marek đã chia sẻ về kết quả chuyến viếng thăm Việt Nam của Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Toà Thánh; những hy vọng về mối quan hệ giữa Toà Thánh và Việt Nam; dự kiến chuyến thăm Việt Nam của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh và khả năng viếng thăm Việt Nam của Đức Thánh Cha Phanxicô. Ngài cũng cập nhật một số thông tin của Toà Thánh trong thời gian vừa qua và một số thủ tục hành chính cần lưu ý.

Trong Hội nghị, Hội đồng Giám mục đã:

1. Lắng nghe thông tin về các bước chuẩn bị cho kỳ họp Đại hội lần thứ hai của Thượng Hội đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI sẽ diễn ra tại Rôma vào tháng 10 năm 2024;

2. Phê chuẩn bản dịch Việt ngữ “Các sách Ngôn sứ” theo đề nghị của Ủy ban Kinh Thánh;

3. Thảo luận và định hướng áp dụng “Các Quy tắc đạo đức ứng xử trong mục vụ liên quan đến trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương”;

4. Thiết lập “Tiểu ban Tư vấn Bảo vệ trẻ vị thành niên” trực thuộc Hội đồng Giám mục và trao cho Đức Cha Giuse Huỳnh Văn Sỹ, Giám mục Giáo phận Nha Trang làm trưởng Tiểu ban;

5. Đề cử Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho, làm Viện Trưởng Học viện Công giáo Việt Nam thay cho Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo xin từ nhiệm vì lý do sức khoẻ;

6. Thảo luận và ban hành “Những Quy định về thủ tục Hôn phối áp dụng chotoàn Giáo hội Việt Nam”;

7. Thảo luận và biểu quyết nâng Trung tâm Hành hương kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam, tại Sở Kiện thuộc Tổng Giáo phận Hà Nội thành “Trung tâm Hành hương toàn quốc kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam”;

8. Thảo luận về Trung tâm Bồi dưỡng Giáo sĩ trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và tuyên ngôn Fiducia Supplicans của Bộ Giáo lý Đức tin;

9. Lắng nghe chia sẻ về hoạt động của các Uỷ ban Giáo dân, Uỷ ban Mục vụ Di dân, Uỷ ban Loan báo Tin Mừng, và Văn phòng Đối thoại Liên tôn.

Hội đồng Giám mục ấn định Hội nghị thường niên kỳ II năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 16 đến 20 tháng 9 năm 2024 tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, Giáo phận Phan Thiết.

Hội nghị kết thúc trong niềm vui cùng Giáo phận Vĩnh Long khánh thành Trung tâm Mục vụ sáng ngày 18 tháng 4 năm 2024.

nguồn: https://hdgmvietnam.com

Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2024

Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2024

Theo thống kê mới nhất về Giáo hội Công giáo, hiện trên thế giới có khoảng 1 tỷ 389 triệu tín hữu Công giáo, tăng thêm 13,7 triệu người so với năm trước đó.

Vatican News

“Niên Giám thống kê về Giáo hội Công giáo”, được hãng tin Fides của Bộ Loan báo Tin Mừng công bố hôm 17/10, có thể cho thấy những thông tin liên quan đến đời sống Giáo hội Công giáo trên thế giới, tính đến ngày 31/12/2022.

Số tín hữu

Trên toàn cầu, số tín hữu Công giáo là 1 tỷ 389 triệu người, tăng thêm 13,7 triệu so với năm trước đó. Cụ thể, châu Phi tăng 7 triệu, châu Mỹ tăng 6 triệu, chỉ có châu Âu giảm 474.000 tín hữu.

Tính đến năm 2022, với dân số thế giới trên 7,8 tỷ người, người Công giáo chiếm 17,7% dân số thế giới, tăng 0,03% so với năm trước đó.

Số giám mục, linh mục và phó tế vĩnh viễn

Theo thống kê này, tổng số giám mục trong Giáo hội hiện nay là 5.353 vị, tăng 13 vị so với năm trước đó.

Số linh mục trên thế giới là 407.730 vị, giảm 142 vị so với năm 2021. Sự giảm sút nhiều nhất xảy ra tại Âu châu, tiếp theo đó là Mỹ châu và Úc châu. Tuy nhiên, số linh mục gia tăng tại Phi châu và Á châu.

Số phó tế vĩnh viễn tiếp tục gia tăng trong Giáo hội, tổng cộng có 50.159 thầy, tăng 974 vị. Mức tăng được ghi nhận ở châu Phi, châu Á và châu Âu; và giảm ở châu Mỹ và châu Đại Dương.

Các tu huynh trong Giáo hội giảm 360 vị, tổng cộng có 49.414 vị.

Số tu sĩ nam nữ và chủng sinh

Trong năm 2022, số nữ tu trong Giáo hội tiếp tục suy giảm, hiện số nữ tu là 599.228, giảm hơn 9.000. Số nữ tu gia tăng ở Á châu và Phi châu, nhưng giảm sút tại Âu, Mỹ và Úc châu.

Số đại chủng sinh triều và dòng của Giáo hội cũng giảm, từ 109.895 xuống còn 108.481 thầy. Chỉ tại Phi châu và châu Đại Dương có số các đại chủng sinh tăng, trong khi tại các đại lục đều giảm.

Giáo dục và chăm sóc sức khoẻ

Trong lĩnh vực giáo dục, trên toàn thế giới, Giáo hội hỗ trợ gần 300 ngàn trường từ cấp mẫu giáo đến đại học.

Có tổng cộng hơn 100 ngàn cơ sở chăm sóc sức khoẻ và bác ái do Giáo hội điều hành trên toàn thế giới.

Nguồn: https://www.vaticannews.va/vi